Con tôm số 100
Xuất bản tháng 2 – 2020.
Thưa quý vị bạn đọc!
Trải qua một năm 2019 không như kỳ vọng, ngành tôm đang hướng đến năm 2020 với nhiều mục tiêu quan trọng, nhằm tiệm cận hơn với những chỉ tiêu lớn. Những dự báo cho năm mới này đang rất khả quan.
Theo Tổng cục Thủy sản, cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng cũng như giá tôm trong nước và thế giới dần được cải thiện, tạo đà cho con tôm phất lên từ những tháng đầu năm 2020.
Về nuôi trồng, toàn ngành đặt mục tiêu tôm nước lợ là 730.000 ha, tăng 10.000 ha so với năm 2019. Về xuất khẩu, theo Tổng cục Hải quan, năm 2019, mặc dù không đạt kết quả khả quan như kỳ vọng nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường chính cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2020. Kỳ vọng nhất là tại thị trường EU, bởi Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực năm 2020 có thể tạo kỳ vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm nay. Với những lợi thế đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang tin tưởng năm nay tôm xuất sẽ bật lên thật khả quan.
Tuy nhiên, hiện nay, ngành tôm đang đối diện với hai chữ “hán”. Trong nước, tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán – xâm nhập mặn đến sớm và sâu hơn so với các năm trước đã khiến ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Để đối phó với tình hình này, các sở, ngành đã liên tục cập nhật tình hình để đưa ra khuyến cáo kịp thời cho người nuôi trồng thủy sản, trong đó có con tôm để đảm bảo hiệu quả sản xuất mỗi mùa vụ.
Về xuất khẩu, con tôm nước ta đang gặp nhiều trở ngại do virus Corona xảy ra tại Trung Quốc. Ngay khi dịch bệnh xảy ra, nước này đã thắt chặt thông quan khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nặng nhất là với tôm hùm nuôi của nước ta. Tại nhiều địa phương, người nuôi tôm hùm chọn giải pháp giữ tôm lại nuôi tiếp chứ không bán tháo, bởi hiện nay giá xuống thấp và người mua lại hiếm hoi.
Đây là những nội dung chính của Đặc san Con Tôm phát hành tháng 2/2020. Trong chuyên đề chính, chúng tôi sẽ tập trung đi sâu phân tích những diễn biến tình hình thời cuộc, chia sẻ của các chuyên gia và giải pháp khắc phục. Cùng với đó, các chuyên mục trong ấn phẩm này sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc những bài viết hay, những mô hình nuôi điển hình trong nước và thế giới, những thông tin thị trường cập nhật nhanh… Mời các bạn đón đọc và góp ý.
Trân trọng!
Để đặt mua báo. Xin liên hệ:
Phát hành – đặt mua các ấn phẩm:
Điện thoại: 0243 77 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn hoặc đăng ký trực tiếp qua link sau:
Đăng ký đặt mua Thủy sản Việt Nam
Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.
Ban Biên Tập