Con tôm số 125

Thưa quý vị bạn đọc!

Tình hình giao thương thế giới đang có nhiều biến động do cuộc chiến giữa Nga – Ukraine, ngành tôm cũng không tránh khỏi những khó khăn. Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng trong xuất, nhập khẩu, do các hãng tàu lớn đã tuyên bố không vận chuyển đi và đến Nga dẫn đến tăng chi phí vận chuyển. Đồng thời, tăng chi phí đầu vào nhập khẩu đối với hàng hóa cơ bản; nhu cầu suy giảm ở Nga, Ukraine và các nước liên quan. Tuy nhiên, từ các bất lợi cụ thể trên, các doanh nghiệp cần chủ động bám sát tình hình, thích ứng linh hoạt để xuất khẩu không bị ngưng trệ và tìm hướng giải quyết lâu dài.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức Hội nghị phát triển ngành tôm tại tỉnh Sóc Trăng ngày 11/3 vừa qua. Tại đây, các lãnh đạo ngành đã đưa ra những giải pháp trọng tâm để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng từ con giống đến nuôi trồng và xuất khẩu, nhằm đảm bảo có một vụ nuôi 2022 thành công và bền vững hơn nữa.

Về xuất khẩu, 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 550 triệu USD, tăng 46,3% so cùng kỳ năm 2021. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2022 có khả năng tăng trưởng từ 10 – 12%, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 – 4,3 tỷ USD. Để tăng đà phát triển, TS Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sao Ta, cũng đã có những phân tích và nhận định giúp nâng cao vị thế tôm Việt trên thị trường quốc tế.

Đặc san Con Tôm phát hành tháng 3/2022 với những tiêu điểm thời sự và phân tích chuyên sâu từ các chuyên gia sẽ giúp bạn đọc có những cái nhìn rõ nét hơn bối cảnh ngành tôm hiện nay. Ngoài ra, các chuyên mục thức ăn dinh dưỡng, khoa học kỹ thuật vẫn luôn được cập nhật, đem thông tin mới nhất tới người nuôi tôm. Kính mời quý độc giả đón đọc.

Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:

Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Con Tôm

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 377 11 756

Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

Trân trọng!

Ban Biên Tập

Go to Top