Thủy sản Việt Nam số 1 (369)

(TSVN) – Xuất bản ngày 01/01/2022.

Thưa quý vị bạn đọc!

Năm 2021 đã khép lại với bộn bề gian khó, thách thức khi đại dịch COVID-19 kéo dài tác động tiêu cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vậy nhưng, với sự chung sức, đồng lòng, sự linh hoạt, sáng tạo cùng truyền thống đoàn kết của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa sản xuất vừa chống dịch. Kết quả, nền kinh tế nói chung trong đó nổi bật là “trụ đỡ” nông nghiệp đã ghi nhận những gam màu sáng khi xuất khẩu đạt kỷ lục với kim ngạch 48,6 tỷ USD, tăng mạnh so mức 41,2 tỷ USD của năm 2020 và ngành thủy sản giữ vị trí “á quân” với 8,89 tỷ USD.

Dù đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, nhưng ngành thủy sản đã nhanh chóng thích nghi với tình trạng “bình thường mới” để hoạt động hiệu quả hơn cả sự mong đợi. Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản các loại năm 2021 đạt 8,73 triệu tấn, tăng nhẹ 1% so năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9%; sản lượng nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1%. Ước sản lượng nuôi tôm nước lợ năm 2021 đạt 931.000 tấn (tăng 5,5% so năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 265.000 tấn và TTCT đạt 666.000 tấn. Sản xuất cá tra đạt sản lượng 1,484 triệu tấn, giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2020 (1,553 triệu tấn); diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, bằng cùng kỳ năm 2020.

Không chỉ với Việt Nam, mà thị trường toàn cầu năm qua cũng ghi nhận những nỗ lực vượt bậc cùng sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành thủy sản; điển hình là với thị trường ngành tôm với sản lượng năm 2021 tăng 8,9% so năm 2020, cùng mức dự báo tăng trưởng trên 5% cho năm 2022 được coi là bức tranh toàn cảnh đầy tích cực của thị trường tôm thế giới trong năm qua.

Trên đà thắng lợi của toàn ngành trong một năm hết sức gian truân, nhận định về định hướng phát triển của ngành thủy sản trong năm 2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, năm 2020 – 2021 là năm bản lề, kết thúc kỳ trung hạn 2016 – 2020 và khởi đầu kỳ trung hạn 2021 – 2025, Tổng cục đã quyết liệt trong công tác triển khai xây dựng, thực hiện các Chương trình, đề án, kế hoạch, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành thủy sản mà Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra. Năm 2022, Tổng cục Thủy sản đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 8,9 tỷ USD, bằng 100,1% so năm 2021; diện tích NTTS ở mức 1,3 triệu ha.

Chia sẻ với những thành tựu rất đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp nói chung trong đó có thủy sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, năm 2022 có những cơ hội, thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức là nhiều hơn, nên yêu cầu toàn ngành phải lựa chọn các công việc trọng tâm, trọng điểm, cân đối nguồn lực và thời gian để triển khai bảo đảm khả thi, hiệu quả. Ngành cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm dự báo chiến lược kịp thời, chính xác hơn, tổ chức thực hiện phải thiết thực, hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Rà soát kỹ, phát hiện các điểm nghẽn, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp bền vững, theo chiều sâu, nâng cao năng suất lao động dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Với vị thế là một cường quốc sản xuất và xuất khẩu nhiều nông sản và thực phẩm quan trọng cho toàn thế giới như lúa gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, ca cao, tôm, cá tra, trái cây…; Việt Nam càng có cơ hội củng cố vị thế nhà cung cấp hàng đầu và thêm cơ hội cung cấp hàng hóa cho khách hàng. Với những thế mạnh đã có và xu hướng ngày càng lựa chọn thực phẩm tươi, an toàn, nông sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm sắp tới. Kỳ vọng vào một năm “thuận buồm xuôi gió” cho toàn ngành thủy sản, mang lại thành công cho cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi.

Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:

Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 377 11 756

Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

Trân trọng!

Ban Biên Tập

Go to Top