Thủy sản Việt Nam số 12 – 2023

(TSVN) – Xuất bản ngày 16/06/2023.

Thưa quý vị bạn đọc!

Ngày 5/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 643/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản; nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ NN&PTNT được giao là cơ quan đầu mối chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước, có nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai những nội dung được giao trong Đề án. Bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên cho hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá; tổ chức hội thảo, hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án. Ngày 8/5/2023, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Quyết định số 1786/QĐ-BNN-TCCB quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thủy sản (trước đây là Tổng cục Thủy sản); cùng đó là Quyết định số 1789/QĐ-BNN-TCCB quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm ngư. Cục Kiểm ngư là tổ chức thuộc Bộ NN&PTNT, trên cơ sở sắp xếp, kiện toàn lại Tổng cục Thủy sản thành Cục Kiểm ngư và Cục Thủy sản.

Một trong những vấn đề quan tâm hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi là việc tiêu thụ hàng thủy sản bởi nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III/2023, thay vì phục hồi từ quý II như những dự báo trước đây. Để duy trì tính ổn định, giữ “phong độ” trong xuất khẩu, nhà sản xuất lẫn nhà quản lý cần thiết phải có chiến lược dài hạn. Như nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, từ nay đến cuối năm 2023, điều mà ngành thủy sản cần phải tập trung làm là thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Khi có các vướng mắc trong xuất khẩu, VASEP kịp thời thông tin bộ, ngành để có giải pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật. Để có thêm thông tin, mời quý độc giả đón đọc loạt bài viết với chủ đề: “Chiến lược dài hạn cho xuất khẩu” và “Xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc: Chìa khóa mở cửa thị trường”.

Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước trên các sông xuống thấp, kèm theo mưa dông vào chiều tối, môi trường thay đổi đột ngột… khiến các loại thủy sản nuôi tại nhiều tỉnh, thành bị thiệt hại khiến người nuôi không khỏi lo lắng. Trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, bên cạnh tăng cường theo dõi những biến đổi về môi trường, chất lượng nguồn nước, nhiều khuyến cáo về quản lý vùng nuôi trồng thủy sản cũng được các cơ quan chuyên môn đưa ra nhằm giảm thiểu ảnh hưởng, thiệt hại do nắng nóng gây ra.

Ngoài ra, trên số báo phát hành kỳ 16/6, Tạp chí Thủy sản Việt Nam còn giới thiệu đến bạn đọc một số thông tin về thị trường thế giới, hoạt động của các doanh nghiệp cũng như những giải pháp trong nuôi trồng… Mời quý độc giả đón đọc!

Cùng với đó là các thông tin tư vấn kỹ thuật, khuyến cáo sản xuất trong điều kiện thời tiết nắng nóng, những giải pháp cho các mô hình nuôi trồng hiệu quả… Mời quý độc giả đón đọc!

Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:

Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 377 11 756

Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

Trân trọng!

Ban Biên Tập

Go to Top