Thủy sản Việt Nam số 13 (380)
Xuất bản ngày 01/07/2022.
Thưa quý vị bạn đọc!
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%. Trong đó nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3%; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; chăn nuôi là 176 triệu USD, giảm 15,9%; đầu vào sản xuất 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%.
Có thể thấy, từ đầu năm 2022, cả thế giới đã dần mở cửa, nâng nhu cầu tiêu thụ thủy sản lên cao, các phân khúc hầu như hồi phục rất mạnh. Điều này đã mở ra rất nhiều triển vọng cho ngành nông nghiệp trong đó có thủy sản Việt Nam, nhưng kèm với đó cũng là các thách thức không nhỏ, cần phải được tháo gỡ nhanh chóng, kịp thời. Các thách thức được đặt ra như: thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu do thời tiết xấu, dịch bệnh làm giảm sản lượng; giá xăng dầu tăng, ngư dân các tỉnh không dám ra khơi vì lỗ chi phí dẫn đến nguyên liệu ngày càng khó khăn; cước vận tải biển tăng gấp 6 – 10 lần so với trước dịch, thiếu container để vận chuyển cũng là một trong những thách thức lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu có thể thấy rõ nét nhất với sản xuất tôm; bởi, theo đánh giá của các doanh nghiệp, từ tháng 8 trở đi, khi các nhà máy vào giai đoạn tăng tốc phục vụ cho các hợp đồng cuối năm thì khả năng thiếu hụt tôm nguyên liệu có thể xảy ra, nếu ngay từ bây giờ tiến độ thả nuôi không được cải thiện. Giải pháp cho vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, chia sẻ được sản lượng nguyên liệu cần có, để người nuôi tôm có quyết định đúng đắn trong mở rộng ao, đìa tôm, lựa chọn ứng dụng khoa học kỹ thuật nào để con tôm có thể đạt được chất lượng, kích cỡ như doanh nghiệp và nhà nhập khẩu mong muốn. Bài toán nguyên liệu tôm, cũng như bài toán nguyên liệu của các mặt hàng thủy sản khác đều cần có sự chung tay của các thành viên tham gia chuỗi sản xuất tiêu thụ này.
Ngoài ra, trên số báo phát hành kỳ này, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cũng đề cập đến một vấn đề khá được quan tâm hiện nay, đó chính là việc đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nước mắm, một ngành hàng cũng còn rất nhiều dư địa để phát triển. Mà theo nhận định của TS Lê Thanh Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, tiềm năng xuất khẩu của các sản phẩm nước mắm Việt Nam còn rất lớn, nếu các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mạnh về công nghệ sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn ATTP quốc tế để vào được các thị trường khó tính thì giá trị xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập