Thủy sản Việt Nam số 14 – 2021 (357)
(TSVN) – Xuất bản ngày 16/7/2021.
Thưa quý vị bạn đọc!
Mặc dù, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, toàn ngành vẫn đạt được những kết quả cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% cùng kỳ năm 2020; trong đó, nông sản chính đạt 10,4 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%.
Còn với ngành thủy sản, theo nhận định của Bộ NN&PTNT, thành quả của ngành 6 tháng đầu năm qua rất đáng trân trọng. Một số mặt hàng chủ lực của thủy sản như tôm đang đứng đầu thị phần ở nhiều thị trường lớn, cạnh tranh với các mặt hàng tôm từ Ấn Độ, Indonesia, Ecuador. Hầu hết các mặt hàng tăng trưởng khá như tôm tăng 13%, cá tra tăng 18%, cá ngừ tăng 20%, các mặt hàng hàu, nghêu ngao mặc dù kim ngạch nhỏ nhưng mức tăng trưởng lên tới 45%. Ngành nông nghiệp phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 khoảng 45 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 3 tỷ USD); trong đó: Nông sản chính 21,5 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 14 tỷ USD; thủy sản 8,5 tỷ USD…
Trong những mặt hàng ngành thủy sản, tôm sú là một trong hai loài tôm nuôi chủ lực và mang lại giá trị kinh tế lớn cho Việt Nam. Trong chuyên đề trên số báo phát hành ngày 16/7/2021 của Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có những phân tích chuyên sâu về nội dung này. Bài viết với tiêu đề: “Thế mạnh tôm sú Việt” và “Tận dụng cơ hội thị trường” cho thấy, tôm sú có ưu thế là nguồn tài nguyên bản địa có thể nuôi và khai thác lâu dài, tôm có kích cỡ lớn, thịt ngon, giá trị kinh tế cao. Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, mặt hàng tôm sú chính là một trong những sản phẩm lợi thế tại thị trường tôm châu Âu, hơn thế nữa, đây còn là sản phẩm truyền thống ở các thị trường Tây Bắc Âu và Pháp. Các nước EU coi tôm sú là mặt hàng cao cấp vì màu sắc đặc trưng, hương vị, chất lượng và kích thước lớn. Lợi thế cạnh tranh của tôm sú Việt Nam chính là các sản phẩm tôm sú hữu cơ, sinh thái. Nhận thức được lợi thế này, nhiều năm qua, nhiều địa phương vùng ĐBSCL trong đó có Cà Mau đã tập trung cho công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất…; nhằm tiến tới xây dựng thương hiệu cho con tôm sú thông qua các mô hình: tôm – lúa, tôm – rừng, tôm quảng canh, quảng canh cải tiến… Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, muốn phát triển nuôi tôm sú sinh thái/hữu cơ một cách hiệu quả, nhất thiết phải có con giống kháng bệnh để tăng tỷ lệ sống của tôm nuôi trước những biến động thường xuyên của môi trường nước tự nhiên. Việt Nam có con tôm sú là con tôm bản địa, thế nhưng do không được gia hóa, chọn lọc nên nguồn giống dần dần bị thoái hóa, khả năng cạnh tranh rất kém. Bởi, tôm sú có đặc tính sinh học tốt hơn TTCT, nên nếu chúng ta quan tâm đầu tư cho công tác gia hóa tôm giống bố mẹ thì tôm sú sẽ phát triển tốt hơn TTCT.
Ngoài ra, trên số báo này, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cũng cập nhật diễn biến tình hình xuất khẩu thủy sản trong nước và trên thế giới; nhất là những thuận lợi từ thị trường xuất khẩu cá tra, tôm; tuy nhiên cạnh đó cũng là những khó khăn về chi phí vận tải biển đang rất căng thẳng, gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ tại Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó là những tuyến bài khoa học với những chủ đề được bạn đọc quan tâm như: Giải pháp cho nguồn giống cá điêu hồng chất lượng cao; chinh phục thành công cùng mô hình CPF-Combine; chìa khóa nuôi trồng bền vững từ các sản phẩm thức ăn, thuốc chất lượng của Uni-President Việt Nam… Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập