Thủy sản Việt Nam số 14 (381)

Xuất bản ngày 16/07/2022.

Thưa quý vị bạn đọc!

6 tháng đầu năm, cùng với những thuận lợi từ thị trường thế giới, ngành thủy sản Việt Nam đã chủ động, kịp thời cùng với các địa phương tổ chức hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản trong điều kiện thuận lợi về thời tiết; tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng, đảm bảo công tác phòng chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khai thác; công tác quản lý nhà nước về nuôi trồng, khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi tiếp tục đi đúng định hướng; việc xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, các văn bản quản lý nhà nước, các chính sách đã được thực hiện đồng bộ, phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Kết quả, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản đạt 4,16 triệu tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ năm 2021, đạt 47,7% kế hoạch. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 1,98 triệu tấn, giảm 0,9%; sản lượng nuôi trồng đạt hơn 2,17 triệu tấn, tăng 5,8%. So với chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng đạt 105% kế hoạch; trong đó, sản lượng khai thác đạt 107%, sản lượng nuôi trồng đạt 103,3%. Còn so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm, tổng sản lượng thủy sản đạt 47,7%; trong đó sản lượng khai thác đạt 52,6%, sản lượng nuôi trồng đạt 43,9%.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ghi nhận sự nỗ lực của toàn ngành này thì hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản hiện đang gặp không ít bất lợi, nhất là với nuôi tôm. Bởi, hiện nay hầu như các yếu tố về độ mặn, thời tiết, dịch bệnh đều bất lợi cho sản xuất tôm, theo đó, các chuyên gia và người trong cuộc đã đưa ra những khuyến cáo để vụ nuôi được thuận lợi. Nội dung này đã được Tạp chí Thủy sản thông tin cụ thể qua bài viết với chủ đề: “Nuôi tôm ứng phó thời tiết bất lợi”.

Cũng theo các chuyên gia, nuôi tôm ngày càng đòi hỏi sự chuyên sâu, đầu tư bài bản về cả vốn và công nghệ để có thể mang về nhiều vụ mùa bội thu. Chính vì vậy mà có rất nhiều công nghệ phương thức sản xuất tân tiến được các doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai ứng dụng rất có hiệu quả thời gian qua. Điển hình như: mô hình nuôi tôm công nghệ cao được phát triển trong thời gian qua như: Mô hình “3 tốt”: Tăng trưởng tốt, lợi nhuận tốt, tỷ lệ thành công tốt của Công ty TNHH Uni-President Việt Nam đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực giúp nuôi tôm đạt hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí nhiên liệu… Hay mô hình CPF-Combine của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam; mô hình nuôi tôm thâm canh theo công nghệ Biofloc; mô hình nuôi tuần hoàn khép kín (RAS)… đã mang về năng suất, gia tăng doanh thu, giảm rủi ro dịch bệnh. Những mô hình này nhanh chóng được lan truyền đến nhiều hộ nuôi, dự báo trở thành xu hướng tạo sự thay đổi lớn trong ngành thủy sản Việt Nam.

Ngoài ra, trên số báo ra kỳ 16/7, Tạp chí tiếp tục cập nhật những diễn biến về giao thương thủy sản trong nước, quốc tế cũng như các mô hình tiêu biểu về nuôi các đối tượng thủy sản tiềm năng, mời quý độc giả đón đọc!

Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:

Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 377 11 756

Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

Trân trọng!

Ban Biên Tập

Go to Top