Thủy sản Việt Nam số 15 – 2021 (358)
(TSVN) – Xuất bản ngày 1/8/2021.
Thưa quý vị bạn đọc!
Những ngày này, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản tại TP Hồ Chí Minh cũng như 19 tỉnh, thành phía Nam đang gồng mình chống chọi với tác động từ đại dịch COVID-19 và việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ. Hoạt động giao thương cũng như việc duy trì sản xuất “3 tại chỗ” gặp vô vàn khó khăn; nhiều giải pháp đã được triển khai, tuy
nhiên cũng còn đó không ít trở ngại cần sớm tháo gỡ, để việc lưu thông hàng hóa không bị đình trệ.
Ghi nhận của Sở NN&PTNT Kiên Giang, hiện đã có 16 trong tổng số 30 doanh nghiệp chế biến thủy sản tại khu vực cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành), phải tạm ngưng hoạt động do không đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch “3 tại chỗ”. Dự báo, trong những ngày tới tình hình các nhà máy chế biến thủy sản tiếp tục đóng cửa ngưng hoạt động là rất cao. Hệ lụy theo đó là các đơn vị thu mua hàng thủy sản khai thác tại cảng cá Tắc Cậu cũng phải ngưng hoạt động. Trong bài viết với tiêu đề: “Duy trì “dòng chảy” nông sản”, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, dù biết là sẽ rất khó khăn khi thực hiện “3 tại chỗ” nhưng doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực sản xuất không chỉ để thể hiện tinh thần chia sẻ, chung tay trong chuỗi giá trị con tôm mà còn là biện pháp đảm bảo sự tồn tại, bền vững của doanh nghiệp trong nghịch cảnh này.
Còn mới đây nhất, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành công văn tạm dừng hoạt động của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” từ ngày 5/8/2021. Điều này khiến rất nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn đốn.
Để thực hiện “mục tiêu kép”, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản tại 19 tỉnh, thành phía Nam đã tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch như test nhanh COVID-19, triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, họ cũng đang rất khó khăn khi để duy trì sản xuất thì mọi chi phí đều tăng cao. Bởi, vừa cách ly vừa sản xuất là giải pháp tình thế, về lâu dài phải tiêm vaccine phòng COVID-19, do đó, kiến nghị cơ quan chức năng sớm triển khai tiêm cho toàn thể nhân viên và lao động của doanh nghiệp. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú day dứt, Minh Phú có hơn 15.000 người nhưng cho đến nay chưa ai được tiêm dù đã gửi danh sách cho cơ quan chức năng từ lâu; còn test kiểm tra, giá mỗi bộ kit 160.000 – 238.000 đồng, mỗi đợt test chi phí hàng tỷ đồng. Theo giới chuyên gia, để các doanh nghiệp thủy sản có thể duy trì, phát triển sản xuất xuất khẩu trong thời điểm đầy thách thức như hiện tại thì các cơ quan quản lý và khâu chính sách nên sớm tháo gỡ các bất cập, vướng mắc ở khâu kiểm dịch nguyên liệu nhập khẩu, cũng như bổ sung giảm một số loại phí về công tác thú y nhằm giảm bớt áp lực về mặt chi phí cho doanh nghiệp.
Cùng đó, nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ, với phương châm vừa chống dịch quyết liệt, vừa phát triển sản xuất, đảm bảo mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2021; Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất thủy sản, chăn nuôi các tháng cuối năm 2021. Trong đó, về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật: Đẩy mạnh việc tổ chức xây dựng các cơ sở, chuỗi chăn nuôi khép kín; cơ sở, vùng, chuỗi sản xuất chăn nuôi, NTTS an toàn dịch bệnh. Hướng dẫn cơ sở chăn nuôi, NTTS áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động tại cơ sở; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, tiêu độc tại các khu vực nuôi và khu vực nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh ngoài môi trường…
Ngoài ra, trên số báo phát hành ngày 1/8/2021, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cũng đề cập đến diễn biến tình hình thị trường giao thương thủy sản trong nước, quốc tế, một số kỹ thuật cùng mô hình nuôi đang được áp dụng tại nhiều địa phương, mang lại hiệu quả và lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp. Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên tập