Thủy sản Việt Nam số 15 – 2023
(TSVN) – Xuất bản ngày 01/8/2023.
Thưa quý vị bạn đọc!
Kinh tế thế giới khó khăn, sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của lĩnh vực thủy sản. Được tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp chính là một giải pháp giúp giảm giá thành cho sản phẩm thủy sản. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, mục tiêu cung cấp khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ và phát triển ngành này. Động thái này được ví như “liều thuốc” trợ lực giúp doanh nghiệp vượt khó. Tuy nhiên, theo chia sẻ của các chuyên gia và doanh nghiệp, còn nhiều yếu tố phải đảm bảo. Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Bên cạnh những giải pháp dài hạn của Nhà nước, Chính phủ thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về “sức khỏe” của doanh nghiệp thì chắc chắn họ sẽ không từ chối cho vay. Để có thêm thông tin về vấn đề này, mời quý độc giả đón đọc loạt bài viết trên chuyên mục “Tiều điểm & Sự kiện” của Tạp chí số ra ngày 1/8/2023.
Để đưa nghề khai thác hải sản nước ta phát triển một cách bền vững, song song với tăng cường công tác quản lý, cơ cấu lại đội tàu khai thác, xử lý những trường hợp vi phạm…; thì giải pháp then chốt là chuyển đổi nghề khai thác thủy sản cho ngư dân, nhằm đảm bảo sinh kế ổn định. Do vậy, ngày 19/7/2023, Bộ NN&PTNT
ra Quyết định số 2888/QĐ-BNNTS ban hành Kế hoạch của Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. Cùng đó, Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án tạo sinh kế cho những ngư dân không làm nghề đánh bắt hải sản trên biển nữa. “Chúng tôi sẽ thống kê những nhóm đang khai thác ở vùng biển cần bảo tồn để ưu tiên chuyển đổi nghề cho họ trước. Những người này sẽ được hỗ trợ để chuyển sang NTTS trên bờ, ven bờ với quy mô hợp tác xã. Ngư dân cũng sẽ được hỗ trợ chuyển sang các nghề khác như làm du lịch biển. Và địa phương giữ vai trò tổ chức mô hình, tập huấn, đào tạo nghề, có chính sách hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.
Cùng với tình hình xuất khẩu tôm ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan từ thị trường, ngành cá tra cũng đang dần quay lại đường đua để hoàn thành mục tiêu cho năm 2023 này. Ghi nhận từ Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất khẩu cá tra bước sang tháng 7 đã có những điểm sáng khi giá trị kim ngạch sang nhiều thị trường đều ghi nhận tăng trưởng dương. Dẫu đây là tín hiệu nhỏ nhưng cũng rất đáng kỳ vọng cho thị trường xuất khẩu cá tra cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng sớm khởi sắc trở lại.
Bên cạnh việc cập nhật những thông tin về tiến bộ khoa học công nghệ trên lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy sản; số báo phát hành kỳ này, Tạp chí cũng thông tin đến bạn đọc tình hình ngành thủy sản toàn cầu, hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành cùng những mô hình thủy sản tân tiến… Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập