Thủy sản Việt Nam số 16 – 2023

(TSVN) – Xuất bản ngày 16/8/2023.

Thưa quý vị bạn đọc!

7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 29,13 tỷ USD, đang dần tiến đến mốc mục tiêu 55 tỷ USD cả năm 2023. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thông tin, toàn ngành vẫn duy trì xuất siêu 5,88 tỷ USD và các doanh nghiệp cũng đã tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm mặt hàng có lợi thế. Với lĩnh vực thủy sản, VASEP đưa ra 2 kịch bản về xuất khẩu; tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm 15 – 16% so với năm 2022. Trong đó, cá tra giảm 28%, đạt 1,7 – 1,8 tỷ USD; cá ngừ, mực và bạch tuộc sẽ giảm khoảng 14 – 15% đạt lần lượt 870 triệu USD và 650 triệu USD… Ở kịch bản kém lạc quan hơn, xuất khẩu có thể chỉ mang về 8,5 – 8,7 tỷ USD. Xuất khẩu hải sản sẽ xấu hơn nếu kết quả thanh tra chương trình chống khai thác IUU của EC tháng 10 tới không đạt được kỳ vọng tháo gỡ “thẻ vàng”.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm thì vấn đề môi trường là yếu tố được ngành chức năng và người nuôi trú trọng và quan tâm hơn cả khi mà kèm theo sự phát triển vượt bậc về nuôi trồng thì môi trường nuôi cũng bị tác động rất lớn. Như nhận định của tư lệnh ngành nông nghiệp, vấn đề môi trường hay giá thành tôm nuôi hiện nay là rất quan trọng và rất cần có sự hợp tác, liên kết để nâng quy mô vùng nuôi, đưa khoa học công nghệ tiên tiến vào hoặc đầu tư hệ thống thủy lợi mới được thuận lợi, hạn chế tình trạng phát sinh xung đột lợi ích. Chúng ta cần lường trước tất cả các tham số cho bài toán quy hoạch hạ tầng để tránh xung đột giữa các bên liên quan. Vì vậy, đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội cấu trúc lại hệ sinh thái nghề nuôi, vùng nuôi mà ở đó nguyên tắc cộng sinh nơi nông dân được chú trọng. Để có thêm thông tin về vấn đề này, mời quý độc giả đón đọc loạt bài viết với chủ đề: “Nuôi tôm thách thức từ môi trường” và “Sản xuất xanh trong nuôi tôm” trên số báo phát hành kỳ 16/8 của Tạp chí Thủy sản.

Là tổ chức đại diện cho tiếng nói, quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, ngư dân, nông dân; thời gian qua Hội Nghề cá Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó, trọng tâm hướng đến là bảo vệ quyền lợi của hội viên. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Hội Nghề cá Việt Nam cùng các hội viên đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có nhiều hoạt động góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, hội viên và ngư dân, nông dân; quyền lợi hợp pháp cho hội viên được bảo vệ. Nhờ vậy, đã góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành thủy sản và đẩy mạnh các hoạt động của Hội. 

Cùng với lĩnh vực nghề cá, cả nước đang tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để nhanh chóng gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC về khai thác thủy sản, trong đó có việc tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tuân thủ quy định khi vươn khơi cũng như nhanh chóng triển khai việc thành lập lực lượng Kiểm ngư tại các địa phương ven biển. Theo đó, đến nay, có 10 tỉnh, thành phố trong số 28 tỉnh, thành ven biển trên cả nước thành lập tổ chức Kiểm ngư. Một số tỉnh, thành phố ven biển còn lại đang đề nghị thành lập Chi cục Kiểm ngư hoặc Phòng Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh.

Đó là những nội dung chính trên số báo phát hành kỳ này của Thủy sản Việt Nam, cùng với đó là những diễn biến tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong nước, quốc tế; những công nghệ, tiến bộ kỹ thuật hay mô hình nuôi tiên tiến… Mời quý độc giả đón đọc!

Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:

Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 377 11 756

Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

Trân trọng!

Ban Biên Tập

Go to Top