Thủy sản Việt Nam số 17 – 2023

(TSVN) – Xuất bản ngày 01/9/2023.

Thưa quý vị bạn đọc!

Hiện nay ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn cả trong sản xuất và xuất khẩu; cộng đồng doanh nghiệp, nông dân, ngư dân đang rất cần sự hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời. Trước thực tế này, tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan với Hội Nghề cá Việt Nam ngày 31/8; Hội Nghề cá Việt Nam đã kiến nghị với Bộ trưởng và các đơn vị trực thuộc Bộ để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh thủy sản. Cụ thể như: Xây dựng chính sách hỗ trợ lao động khai thác hải sản xa bờ; Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác; Kiến nghị Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp sản xuất thủy sản từ 10% xuống còn 8% cho tất cả các nguyên liệu, sản phẩm phục vụ thủy sản; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm thêm lãi suất cho vay đối với tổ chức và cá nhân sản xuất thuộc lĩnh vực thủy sản, vì mức lãi suất hiện đã giảm nhưng còn ở mức rất cao.

Một vấn đề nóng bỏng khác cũng đang được các Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai đó là dốc lực thực hiện các giải pháp để nhanh chóng gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC; trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền về chống khai thác IUU. Đây cũng là nhiệm vụ được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đưa ra tại Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU với 28 tỉnh, thành phố ven biển, để thúc đẩy các giải pháp chống IUU ngày 29/8 vừa qua. 

Việc có giải pháp khắc phục vấn nạn khai thác trái phép cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đặt câu hỏi tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại phiên họp quốc hội mới đây. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, để giải quyết, chấm dứt vi phạm trên biển, nếu không cấu trúc lại ngành thủy sản, không đẩy mạnh nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là trong các khu bảo tồn thì cứ mãi câu chuyện tranh chấp về tài nguyên và các ngư dân. Bộ trưởng cũng mong muốn lãnh đạo chính quyền địa phương cùng đối thoại để tìm hướng hỗ trợ cho ngư dân, giải quyết được câu chuyện nguồn lợi thủy sản càng cạn kiệt thì càng khai thác, càng khai thác thì càng cạn kiệt.

Về hoạt động giao thương thủy sản, theo nhận định của nhiều chuyên gia, nền kinh tế thế giới đang hồi phục, lạm phát giảm dần, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại đang tạo đà để xuất khẩu thủy sản được đẩy mạnh trong các tháng cuối năm. Đại diện VASEP cho biết, có 3 yếu tố sẽ quyết định kịch bản xuất khẩu lạc quan trong nửa cuối năm nay, đó là diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới. Đặc biệt, một trong những thế mạnh mà ngành thủy sản Việt Nam cần hướng tới đó là tập trung phát triển chế biến sâu. Như chia sẻ của ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, Việt Nam cần phải tập trung hơn nữa vào thế mạnh chế biến sâu. Ngoài ra, cần cải thiện chi phí sản xuất, nhằm tăng biên độ lợi nhuận và hỗ trợ được người nông dân tốt hơn. Để có thêm thông tin về vấn đề này, mời quý độc giả đón đọc loạt bài viết với tiêu đề: “Vượt thách thức, duy trì mục tiêu tăng trưởng”; “Gấp rút chặng đường cuối năm”; “Chế biến sâu: Chìa khóa kích cầu tiêu thụ” trên số báo phát hành kỳ 1/9 này của Tạp chí Thủy sản.

Bên cạnh đó, rất nhiều nội dung về vấn đề chuyển đổi nghề, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hay các công nghệ và thiết bị mới trong nuôi trồng thủy sản… cũng được cập nhật, mời quý độc giả đón đọc!

Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:

Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 377 11 756

Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

Trân trọng!

Ban Biên Tập

Go to Top