Thủy sản Việt Nam số 20 – 2022 (387)

Xuất bản ngày 16/10/2022.

Thưa quý vị bạn đọc!

9 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp đã phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức như: xung đột Nga – Ukraine, lạm phát tại các quốc gia phương Tây, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… Tuy nhiên, vượt qua được những trở ngại đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm, thủy sản 9 tháng ước đạt 2,99% so cùng kỳ 2021; trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và thủy sản tăng 4,43%. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của ngành nông nghiệp khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2%; toàn ngành xuất siêu khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so năm trước.

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp cũng còn những hạn chế nhất định trong sự phát triển, đó chính là việc tận dụng “mỏ vàng” phụ phẩm. Như nghiên cứu của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chúng ta chỉ chú trọng tăng năng suất mà chưa quan tâm đến lượng dư thừa, chưa quan tâm đến phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học. Một số lĩnh vực chủ đạo như: trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng nghìn tấn chất thải hữu cơ, là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này chưa được quan tâm tái sử dụng hiệu quả và đúng mục đích, mang lại giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Còn theo nghiên cứu của PGS.TS Phạm Anh Tuấn ở Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp khoảng 156,8 triệu tấn. Gồm 4 lĩnh vực: Trồng trọt hơn 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ các loại cây trồng và phụ phẩm sau chế biến (chiếm 56,7% tổng khối lượng) với tỷ lệ thu gom xử lý đạt 52,2%; chăn nuôi 61 triệu tấn phân gia súc, gia cầm (39,1%) chưa kể phụ phẩm sau giết mổ, tỷ lệ thu gom xử lý đạt 79,1%; lâm nghiệp trên 5,5 triệu tấn từ mùn cưa trong chế biến và vỏ cây sau thu hoạch (3,5%), tỷ lệ thu gom xử lý đạt 50,2%. Riêng thủy sản trên 1 triệu tấn từ chế biến (chiếm 10,6%), tỷ lệ thu gom xử lý đạt 90%. Giải pháp nào cho vấn đề này, mời quý bạn đọc qua bài viết với tựa đề: “Phụ phẩm nông nghiệp: “Kho vàng” bỏ ngỏ”.

Chính việc chưa tận dụng triệt để nguồn tài nguyên này, nên mặc dù là nước có thế mạnh về nông nghiệp nhưng Việt Nam lại đang phải nhập khẩu tới 2/3 nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Số liệu từ Tổng cục Hải quan và Cục Chăn nuôi, trong 7 tháng năm 2022, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã phải chi tới gần 2,7 tỷ USD để nhập khẩu 2 nguyên liệu chính là ngô, đậu tương. Ngoài ra, Việt Nam còn tốn hơn 400 triệu USD để nhập khẩu các nguyên liệu khác: khô dầu các loại 2,2 triệu tấn; lúa mỳ 0,73 triệu tấn; bột cá, bột xương, đạm động vật, hỗn hợp các chất vi lượng. Lời giải cho vấn đề này, theo các chuyên gia đó chính là bài toán nội địa hóa nguồn nguyên liệu. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có hai vấn đề nếu chúng ta muốn thay thế việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thứ nhất, chúng ta phải thuyết phục cho được người nông dân, nếu chuyển sang trồng các nguyên liệu trong nước để thay thế việc nhập khẩu ví dụ như ngô, đậu tương thì thu nhập của họ sẽ cao hơn cây trồng hiện tại. Thứ hai, chúng ta cần có quá trình để tiếp cận nhằm cung ứng nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, giảm chi phí logistics. Bởi, các doanh nghiệp này có hệ thống cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất từ lâu, thậm chí từ nhiều chục năm với chi phí, giá thành rẻ, nguyên liệu chuẩn theo yêu cầu.

Trên đây là một trong những nội dung chính được đề cập trên Tạp chí Thủy sản số ra ngày 16/10; ngoài ra, còn có những thông tin về diễn biến thị trường thủy sản trong nước, quốc tế; hoạt động khai thác thủy sản hay những kiến thức về khoa học công nghệ thủy sản. Mời quý độc giả đón đọc!

Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:

Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 377 11 756

Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

Trân trọng!

Ban Biên Tập

Go to Top