Thủy sản Việt Nam số 22 – 2022 (389)
(TSVN) – Xuất bản 16/11/2022.
Thưa quý vị bạn đọc!
Là một trong những hiệp hội ngành hàng quan trọng của ngành nông nghiệp, những năm qua Hội Nghề cá Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thủy sản và là chỗ dựa đáng tin cậy của nông dân, ngư dân cả nước. Đến nay, Hội Nghề cá Việt Nam đã trải qua 4 kỳ Đại hội, ngày càng tập hợp được đông đảo doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản tham gia. Hội có Văn phòng Trung ương tại Hà Nội, 2 Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh và TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hội có các ban là: Ban Kiểm tra, Ban Tổ chức, Ban Phát triển thủy sản bền vững, Ban Hợp tác quốc tế, Ban Thông tin – Truyền thông; Hội đồng thi đua khen thưởng và kỷ luật; 6 đơn vị chuyên môn là các Trung tâm: ICAFIS, FITES, FACOD, SOFIS, CED và Tạp chí Thủy sản Việt Nam. Trong nhiệm kỳ (2022 – 2027), Hội chủ trương sẽ có những thay đổi một cách toàn diện, mục đích nhằm đưa hoạt động Hội ngày càng sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, trở thành chỗ dựa vững chắc và luôn đồng hành sát cánh cùng hội viên, doanh nghiệp. Để có thêm thông tin về vấn đề này, bạn đọc cùng Thủy sản Việt Nam lắng nghe chia sẻ của TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam qua bài viết với chủ đề: “Đại hội HNCVN: Vì một nghề cá bền vững”.
Hiện nay, một trong những vấn đề được người dân quan tâm đó là kháng kháng sinh, bởi với dân số gần 99 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ đề kháng kháng sinh cao ở châu Á. Nguyên nhân do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng thủy sản và cộng đồng. Theo đó, ngày 9/11, Bộ NN&PTNT có Công văn số 7499/BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản trong nuôi trồng thủy sản; nhằm kiểm soát hoạt động sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, tăng cường hiệu quả trong quản lý thuốc thú y, giảm thiểu nguy cơ gây tồn dư kháng sinh, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, không ảnh hưởng xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Như TS Phạm Đức Phúc, Viện trưởng Viện Sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững đã kêu gọi tất cả các bên cùng nhau sử dụng kháng sinh một cách thận trọng, tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nhằm giải quyết vấn đề kháng kháng sinh, hợp tác cùng nhau thông qua cách tiếp cận Một Sức khỏe để hướng tới sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trên toàn cầu.
Cùng với vấn đề kháng kháng sinh, thì việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn biển hiện đang hết sức cần thiết trước thực trạng các hệ sinh thái biển bị tác động tiêu cực, nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu suy giảm, các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có dấu hiệu gia tăng về số lượng. Ngày 10/11 vừa, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức lễ phát động Cuộc thi vẽ tranh “Bảo tồn biển, bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vì thế hệ mai sau”. Đây là hoạt động nằm trong nhiệm vụ tổ chức cuộc thi tìm hiểu về đa dạng sinh học ở khu bảo tồn biển, vai trò trách nhiệm của người dân tham gia công tác bảo tồn biển và bảo tồn các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trong Đề án truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng về bảo tồn biển đến năm 2030.
Ngoài ra, trên số báo phát hàng kỳ 16/11 này, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cũng giới thiệu đến bạn đọc nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản trong nước và quốc tế mà điển hình là mô hình nuôi tôm “3 Tốt” của Công ty TNHH Uni-President Việt Nam, đây được coi là một giải pháp toàn diện cho người nuôi, giúp mang lại thành công, lợi nhuận và sự phát triển bền vững của ngành tôm. Bên cạnh đó là những giải pháp về mặt dinh dưỡng thủy sản hay thông tin thị trường trong nước, quốc tế, mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập