Thủy sản Việt Nam số 22 – 2023

(TSVN) – Xuất bản ngày 16/11/2023.

Thưa quý vị bạn đọc!

Hiện nay, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) nói chung, nuôi tôm nói riêng đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, đồng thời đã và đang có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Song, ngành NTTS vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường. Do đó, rất cần những giải pháp mang tính cấp bách và lâu dài, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Cần chuyển hóa quy chuẩn, tiêu chuẩn để cập nhật về mặt công nghệ trong NTTS, từ đó áp dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bộ NN&PTNT sẽ cùng Cục Thủy sản phác thảo ý tưởng về mặt quy hoạch vùng nuôi bền vững, cùng ngồi với doanh nghiệp, địa phương, HTX để bàn bạc với nhau. Bên cạnh đó, sớm thành lập hiệp hội ngành hàng tôm không chỉ có mỗi doanh nghiệp, mà còn có địa phương, HTX, các nhà khoa học cùng tham gia. Tất cả phải có trách nhiệm với môi trường, với người tiêu dùng để xây dựng hình ảnh ngành tôm “sạch, trách nhiệm, bền vững”. 

TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS II bày tỏ quan điểm: Về lâu dài việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tôm nhằm bảo vệ môi trường nuôi là yêu cầu quan trọng; ngoài ra để giảm bớt rủi ro cần mở các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho người nuôi tôm. Còn trước mắt, cần tăng cường hơn nữa công tác quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường ở các tuyến kênh trọng điểm, kênh đầu nguồn. Xây dựng cơ sở hạ tầng cấp thoát nước và nạo vét phù hợp với hoạt động nuôi tôm. Quy hoạch vùng nuôi tôm theo cấp độ thâm canh phù hợp trên nguyên tắc an toàn sinh học, chất lượng nước, đảm bảo cấp, thoát nước riêng biệt.

Môi trường được coi là yếu tố “sống còn” trong phát triển ngành NTTS bền vững, nên thời gian qua đã có rất nhiều mô hình phát triển thủy sản được triển khai, nhằm hướng đến giảm thiểu tốt đa tác động môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Như mô hình mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước, tái sử dụng chất thải, tránh xả thải; hay Dự án là “3R cho NTTS thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng hạ lưu ĐBSCL của Việt Nam – 3R4CSA; Dự án nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE đảm bảo ATTP.

Cùng với phát triển ngành tôm và cá tra, một trong những lĩnh vực cũng có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh về NTTS của Việt Nam đó chính là nuôi thủy sản hồ chứa. Theo báo cáo của Cục Thủy sản, hiện nay cả nước có khoảng 1.250 hồ chứa đang hoạt động NTTS trong lòng hồ; tập trung tại một số địa phương như Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Đắk Lắk… NTTS hồ chứa 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 36.419 tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 100% kế hoạch đề ra. Ngành nông nghiệp đang tìm các giải pháp, nhằm tối ưu hóa lợi ích hồ chứa trong NTTS.  

Sau những tháng đầu năm ảm đạm, xuất khẩu thủy sản cuối năm đã có tín hiệu vui. Các chuyên gia cũng dự đoán xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 có thể chạm mốc 9 – 9,2 tỷ USD. Dự đoán đó hoàn toàn có cơ sở bởi hiện thị trường thế giới đang mở ra cơ hội cho các mặt hàng như cá ngừ, cua, tôm… của Việt Nam. Hiện tại, giá xuất khẩu tôm đã tăng, nhu cầu mua cá tra cũng tăng, doanh nghiệp dồn sức sản xuất để kịp các đơn hàng xuất khẩu. Cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đang tập trung mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức kinh doanh, tạo nhiều sản phẩm theo xu hướng thị trường. Cùng tìm hiểu nội dung này qua bài viết “Xuất khẩu cuối năm: Dồn lực bứt phá” trên Thủy sản số phát hành ngày 16/11.

Cùng với thị trường trong nước, thị trường thủy sản toàn cầu đã đi hết chặng đường gần một năm đầy sóng gió do lạm phát, nhu cầu tiêu thụ suy yếu và giá bán lao dốc. Những tia hy vọng phục hồi vào các tháng cuối năm vẫn mong manh, buộc nhiều nhà cung cấp phải tính đến các chiến lược đổi mới dài hạn. Nhiều doanh nghiệp tôm Ecuador nhận ra đã đến lúc họ phải gia tăng giá trị sản phẩm, thay vì xuất khẩu nguyên liệu truyền thống. Mới đây, Công ty Songa, một trong những đơn vị chế biến tôm lớn nhất Ecuador đã khánh thành nhà máy chế biến tôm giá trị gia tăng với sản phẩm chủ lực là tôm lột vỏ và nhiều sản phẩm ăn liền khác. Songa cũng đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến mới và gia tăng công suất chế biến, dự kiến khoảng 91 tấn TTCT nguyên liệu/ngày.

Ngoài ra, trên số báo phát hành kỳ này, Tạp chí cũng tiếp tục giới thiệu những mô hình hay, sáng tạo ở trong nước và thế giới; cùng những công nghệ, kỹ thuật trong NTTS… Mời quý độc giả đón đọc!

Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:

Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 377 11 756

Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

Trân trọng!

Ban Biên Tập

Go to Top