Thủy sản Việt Nam số 22 (366)
(TSVN) – Xuất bản ngày 16/11/2021.
Thưa quý vị bạn đọc!
Thủy sản là ngành hàng đóng góp nhiều cho việc xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho Việt Nam; nhưng nguồn nhân lực trong ngành đang khan hiếm, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện có hơn 3,7 triệu người lao động Việt Nam tham gia trong lĩnh vực thủy sản; tuy nhiên trong số này, lực lượng lao động giàu “chất xám” (có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên) chiếm tỷ lệ không đáng kể. Việc nâng cao số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho ngành thủy sản hiện đang rất được quan tâm. Cùng với đó, NTTS của Việt Nam đang phát triển theo xu hướng thâm canh hóa ngày một cao. Diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh tăng nhanh, mô hình nuôi công nghệ cao áp dụng công nghệ 4.0 cũng đang phát triển. Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực này là rất lớn.
Có thể thấy, nhân lực là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của ngành thủy sản, chính vì vậy, để nâng cao chất và lượng nguồn nhân lực cần triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Để có thêm thông tin về vấn đề này, Tạp chí Thủy sản Việt Nam số này đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trương Quốc Phú, Trưởng Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ, một trong những trường đào tạo nguồn nhân lực lớn cho ngành thủy sản. Được biết, hiện Khoa Thủy sản có hơn 100 người (55 giảng viên, 4 Giáo sư, 22 Phó Giáo sư, 45 Tiến sĩ, tất cả giảng viên còn lại đều đang học tiến sĩ). Khoa rất chú trọng đẩy mạnh chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, với nhiều dự án có quy mô khác nhau… Quy mô đào tạo hiện tại là 1.500 – 1.700 sinh viên, khoảng 300 – 400 sinh viên tốt nghiệp hàng năm.
Hiện đang là thời điểm các doanh nghiệp thủy sản phải chạy nước rút để đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2021 nay. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ có hiệu lực, tình hình phòng, chống dịch COVID-19 cả nước bước sang giai đoạn mới. Doanh nghiệp thủy sản chính thức chuyển sang giai đoạn phục hồi và tăng tốc sản xuất phục vụ thị trường cuối năm mặc dù còn phải vượt qua không ít thách thức. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, để tận dụng cơ hội hồi phục, tăng tốc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, công tác xúc tiến thương mại hai tháng cuối năm sẽ tập trung vào mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất, nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc; các thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi Hiệp định EVFTA và UKVFTA tới các địa phương, doanh nghiệp… Còn ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho rằng, chỉ khi nào kiểm soát dịch tốt doanh nghiệp mới an tâm tập trung khôi phục sản xuất, nhất là thời điểm cuối năm các doanh nghiệp thủy sản cần tăng tốc để trả nợ các đơn hàng cũng như ký thêm các đơn hàng mới. Do đó, điều khẩn thiết lúc này là kiến nghị tăng cung cấp thêm vaccine về miền Tây để người lao động trong các nhà máy được tiêm đủ 2 mũi.
Ngoài ra, trên số báo ra ngày 16/11 này, Tạp chí cũng đề cập đến diễn biến thị trường trong nước và quốc tế những tháng cuối năm, kỹ thuật nuôi một số loài thủy sản có thế mạnh… Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập