Thủy sản Việt Nam số 24 – 2022 (391)
(TSVN) – Xuất bản 16/12/2022.
Dự kiến kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán đích với con số 11 tỷ USD, tăng 25% so năm 2021 – một mốc kỷ lục lịch sử ngành thủy sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới. Theo VASEP, 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm đạt mức 4,3 tỷ USD, tăng 30% so cùng kỳ năm ngoái; cá tra vượt 2 tỷ USD, tăng hơn 80% và có thể đạt mức 2,5 tỷ USD trong năm nay. Tương tự, sản phẩm cá ngừ lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt, kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng, làm giảm nhu cầu, dẫn đến tồn kho tăng và sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ… là những khó khăn không nhỏ đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản dịp cuối năm 2022 và cả năm 2023. Theo kết quả khảo sát trên 117 doanh nghiệp thủy sản bằng hình thức trực tiếp và online cho thấy, 71% số doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thủy sản năm 2023 sẽ khó khăn, hơn 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp lạc quan vào bức tranh ngành hàng này trong thời gian tới. Do đó, rất cần các giải pháp tháo gỡ kịp thời, để doanh nghiệp có thể hồi phục và tận dụng cơ hội từ thị trường; điều này đã được nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ qua bài viết với tiêu đề “Khơi thông điểm nghẽn, tạo đà phục hồi” trên số báo phát hàng kỳ 16/12/2022 của Tạp chí Thủy sản, mời quý độc giả đón đọc.
Một vấn đề khác cũng liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa nói chung và hàng nông, thủy sản nói riêng đó là lĩnh vực logistics, đây được coi là “mạch máu” của nền kinh tế. Nhưng, bên cạnh những kết quả đã đạt được ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế như: Chi phí vẫn còn ở mức cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau,… Và đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển thì hệ lụy là tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác và dần trở nên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Do vậy, hướng tới tăng trưởng xanh đang dần trở thành vấn đề toàn cầu và là mục tiêu của tất cả quốc gia. Logistics được xem là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường đáng kể, vì thế phát triển logistics xanh là đòi hỏi tất yếu.
Còn về lĩnh vực NTTS, hiện nay, bên cạnh những đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra, nhuyễn thể… thì một trong những loài được nhận định rất giàu tiềm năng phát triển và mang lại giá trị kinh tế cao đó là rong biển và ngành hàng này cũng cần được đầu tư xứng tầm cũng như có những giải pháp phát triển đồng bộ. Như nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, phải xác định rong biển là đối tượng rất tiềm năng để có giải pháp phát triển tương xứng. Khi đã phát triển hàng hóa thì các doanh nghiệp cần đầu tư cơ sở vật chất nhà máy chế biến, mở rộng đối tượng. Ngành chức năng phải nắm bắt được không gian phát triển trên cơ sở đề án, huy động mọi nguồn lực từ các nhà khoa học, khuyến nông, thị trường. Bộ cũng giao Tổng cục Thủy sản xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể phân công nhiệm vụ phát triển ngành rong biển trong thời gian tới đối với các cơ quan chuyên môn, tham mưu để Bộ ban hành, triển khai thực hiện.
Cùng với đó, trên số báo phát hành kỳ này, Tạp chí Thủy sản Việt Nam cũng cập nhật về thị trường thủy sản trong nước, quốc tế cuối năm 2022 và dự báo cho năm 2023, những tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng và khai thác… Mời quý độc giả đón đọc!
Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:
Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 377 11 756
Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn
Trân trọng!
Ban Biên Tập