Thủy sản Việt Nam số 24 – 2023

(TSVN) – Xuất bản ngày 16/12/2023.

Thưa quý vị bạn đọc!

Ngày 27/4/2022, Bộ NN&PTNT đã có Quyết định số 1572/QĐ-BNN-TCTS ban hành Kế hoạch của Bộ về triển khai Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 (Đề án); với mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản đứng trong số 5 quốc gia hàng đầu thế giới. Ông Trần Đình Luân, Cục
trưởng Cục Thủy sản nhận định, mục tiêu của Đề án không chỉ là tăng sản lượng mà còn tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Đây là một thách thức không hề nhỏ và để đạt được các mục tiêu quan trọng đó thì rất cần các giải pháp phù hợp. Chìa khóa để đạt được mục tiêu đó chính là sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Trong tương lai, ngành thủy sản của Việt Nam có thể không chỉ nổi bật về số lượng xuất khẩu mà còn về chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành cũng như nền kinh tế quốc gia.

Năm 2022, xuất khẩu thủy sản bùng nổ, tôm cá đua nhau lập kỷ lục lịch sử. Nhưng với diễn biến hiện nay, VASEP nhận định, xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 ước đạt khoảng 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022, tức kim ngạch giảm khoảng 2 tỷ USD. Theo đó, tôm sẽ thu về khoảng 3,4 tỷ USD, ít hơn 21% so với năm ngoái; cá tra ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25%; cá ngừ đạt 850 triệu USD, giảm 15%… Trong bối cảnh thị trường thủy sản thế giới ngày càng cạnh tranh quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã và đang cùng chung tay nỗ lực tìm giải pháp giảm giá thành sản xuất, với ưu tiên hàng đầu là tạo ra các chuỗi liên kết nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu để giảm thiểu các chi phí trung gian.

Đó là tình hình sản xuất trong nước, còn với diễn biến trên thế giới, bất chấp khó khăn chung của thị trường tôm toàn cầu, một số quốc gia sản xuất tôm ở châu Á vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và xuất khẩu, cùng nhiều kỳ vọng phục hồi nhẹ vào đầu năm sau. Đó là những nỗ lực lội ngược dòng của ngành tôm Ấn Độ, việc duy trì xuất khẩu của Thái Lan, Trung Quốc. Nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng năm 2024 sẽ chứng kiến sự bật tăng của giá tôm toàn cầu khi nguồn cung sụt giảm. Mời quý độc giả cùng tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này qua bài viết với tiêu đề: “Lực đẩy” thị trường tôm châu Á trên số báo phát hành kỳ 16/12 của Thủy sản Việt Nam.

Ngoài ra, một vấn đề cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng người dân, doanh nghiệp ngành tôm đó là tìm ra được một giải pháp nuôi tôm toàn diện để có thể thích ứng với dịch bệnh và giảm giá thành sản xuất. Giải pháp được ngành thủy sản đưa ra đó là: Cần tổ chức lại sản xuất để giảm tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, từ đó chúng ta chia sẻ những kinh nghiệm để sản xuất tốt hơn. Vấn đề thứ hai cần tính đến là giảm giá thành sản xuất vì có rất nhiều khâu trong quá trình sản xuất mà chúng ta có thể tiết giảm, như thông qua ứng dụng các quy trình kỹ thuật cũng giúp tiết giảm chi phí. Vấn đề thứ ba là kiểm soát tốt môi trường và dịch bệnh để hạn chế thiệt hại và nâng cao tỷ lệ nuôi tôm thành công. Đây là những bước mà người dân và địa phương cần quan tâm.

Cùng đó, trên số báo phát hành kỳ cuối cùng của năm 2023 cũng tiếp tục cập nhật những công nghệ kỹ thuật trong nuôi trồng, khai thác thủy sản, cùng nhiều thông tin về tình hình sản xuất thủy sản tại các địa phương, cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành. Mời quý độc giả đón đọc!

Để đặt mua báo. Xin vui lòng liên hệ:

Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 377 11 756

Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

Trân trọng!

Ban Biên Tập

Go to Top