Thủy sản Việt Nam số 7 – 2023 (398)

(TSVN) – Xuất bản ngày 16/03/2023.

Thưa quý vị bạn đọc!

Thông tin tại Hội nghị quản lý giống tôm nước lợ và ký kết quy chế phối hợp năm 2023 do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức ngày 24/3, các đại biểu nhận định, việc sản xuất giống tôm nước lợ trong nước còn bộc lộ một số tồn tại như: chưa chủ động sản xuất được tôm bố mẹ mà chủ yếu là nhập khẩu; còn phụ thuộc vào khai thác giống từ tự nhiên, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Cùng với đó, công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống còn hạn chế; tình hình vận chuyển tôm giống không bảo đảm chất lượng, không qua kiểm dịch vẫn còn diễn ra, nhất là vào đầu vụ thả nuôi…

Do đó để đạt được mục tiêu trong năm 2023, diện tích thả nuôi là 750.000 ha; sản lượng là 1,08 triệu tấn. Nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 – 270.000 con; tôm giống cần khoảng 140 – 150 tỷ con. Do đó, việc quản lý tôm giống đảm bảo chất lượng, an toàn với bệnh dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm.

Cùng đó, con tôm đã làm nên thương hiệu cho ngành thủy sản Việt Nam, trở thành tài nguyên để phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước. Chuyện nâng cao chuỗi giá trị tôm Việt với những giải pháp như xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh liên kết, đa dạng hóa sản phẩm… đang được các cấp, bộ, ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi quan tâm, phát triển. Nâng tầm chuỗi giá trị cũng là chủ đề của Hội trợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ tư năm 2023 – VietShrimp 2023 sẽ diễn ra từ ngày 12 – 14/4/2023 ở TP Cần Thơ. Hiện, mọi công tác chuẩn bị cho sự kiện đã đi đến những công đoạn cuối để sẵn sàng đón tiếp cộng đồng đồng những người làm thủy sản hội tụ tại một sự kiện quan trọng bậc nhất của ngành thủy sản này.

Có thể thấy, một trong những điểm nghẽn trong phát triển sản xuất tôm chính là vấn đề giá thành của Việt Nam còn ở mức khá cao, nhất là so với 2 cường quốc sản xuất tôm khác là Ecuador và Ấn Độ, điều này đã làm suy giảm lợi thế của tôm Việt trên trường quốc tế. Cùng Thủy sản Việt Nam tìm hiểu cụ thể về vấn đề này qua bài viết với tiêu đề: Không cải thiện giá thành, ngành tôm sẽ khó trên số báo phát hành kỳ 1/4 này.

Cùng với ngành tôm trong nước, hơn một thập kỷ qua, nhiều quốc gia trên thế giới không ngừng mở rộng sản xuất tôm và tăng lợi nhuận; nhưng ngày nay tất cả đang đối mặt tình trạng cung vượt cầu và lạm phát. Mở rộng diện tích nuôi và xuất khẩu ồ ạt, trong khi nhập khẩu và tiêu thụ đình trệ buộc nhiều nước phải thay đổi chiến lược sản xuất. Như với ngành tôm Ấn Độ, bên cạnh việc chuyển đổi sang sản phẩm giá trị gia tăng, các hãng xuất khẩu tôm Ấn Độ cũng khuyến khích nông dân gặp khó khăn với tôm thẻ chân trắng chuyển sang nuôi tôm sú. Dù vấp phải không ít sự phản đối và thách thức tìm kiếm thị trường cho tôm sú Ấn Độ, đây lại là một giải pháp để Ấn Độ có thể tránh phải đối đầu trực tiếp với Ecuador và thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khác mà Ấn Độ có lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, trên số báo phát hành kỳ này, Tạp chí cũng đặc biệt cung cấp đến bạn đọc rất nhiều thông tin, kiến thức về khoa học, kỹ thuật, những giải pháp công nghệ cũng như sản phẩm ưu việt của rất nhiều công ty, doanh nghiệp hàng đầu về thủy sản… Mời quý độc giả đón đọc!

Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau: 

Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.

Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:

Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 377 11 756

Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

Trân trọng!

Ban Biên Tập

Go to Top